Máy tính bị nóng nếu sử dụng trong thời gian lâu và cách khắc phục

317

Máy tính xách tay đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của nhiều người, chính vì vậy, người dùng cũng cần bảo vệ sức khỏe cho ‘người bạn’ này, nhất là trong mùa hè nóng nực, laptop có thể ‘đổ bệnh’ ngay lập tức. Hãy bảo vệ máy tính tránh bị nóng. Mời các bạn tham khảo nhé!

Đặt laptop trên bề mặt phẳng, cứng

Bạn thường đặt máy tính ở đâu? Trên giường, đùi hoặc gối? Các bề mặt này ảnh hưởng đến việc thoát khí nóng từ máy tính xách tay khiến máy tính bị nóng lên. Bạn nên đặt thiết bị này trên bề mặt phẳng, cứng hoặc sử dụng giá đỡ máy tính xách tay chuyên dụng để cải thiện luồng khí nóng.

Không đặt máy tính xách tay của bạn trên sàn nhà. Đặc biệt nếu không thực sự sạch sẽ, laptop sẽ hút bụi bẩn trên sàn nhà khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Chú ý đến khe tản nhiệt của máy tính xách tay của bạn. Đảm bảo không có chướng ngại vật phía trước khe. Nó ngăn không cho nhiệt thoát ra ngoài và làm cho laptop của bạn bị nóng.

Thường xuyên vệ sinh laptop 

Máy tính quá bẩn cũng là nguyên nhân khiến nó nóng lên. Bạn có thể tự mình vệ sinh máy, đặc biệt là bộ tản nhiệt. Khi mở nắp sau của máy tính xách tay, bạn có thể nhìn thấy quạt tản nhiệt, lau sạch bụi và mọi thứ mắc kẹt trong đó và bôi keo tản nhiệt.

Nếu không đủ tự tin, hãy mang đến cửa hàng sửa chữa laptop để được hỗ trợ. Nếu bạn làm việc trong môi trường bụi bẩn, hãy giảm thời gian vệ sinh xuống còn 6 tháng (thường chỉ cần một năm một lần), hoặc lâu hơn nếu bạn sử dụng trong môi trường sạch sẽ.

Sử dụng đế tản nhiệt

Trên thị trường hiện có bán rất nhiều loại đế tản nhiệt, 1 quạt, 2 quạt hoặc 3 quạt… Bạn nên trang bị cho mình 1 chiếc có thể mang vác gọn nhẹ theo cùng chiếc máy tính, nên chọn loại dùng chung cổng USB của máy tính.

Điều chỉnh cài đặt

Đảm bảo rằng máy tính đủ mạnh để có thể xử lý phần mềm đồ họa, game, phim “nặng đô”, nếu không máy sẽ phải chạy quá công suất và nóng lên là điều không thể tránh khỏi. Tắt bớt những chương trình không dùng đến để giảm tải công việc cho máy tính, tháo các thiết bị kết nối qua cổng USB nếu không cần nữa, giảm độ sáng màn hình, tắt Bluetooth cũng sẽ giúp laptop hạ bớt nhiệt

Môi trường điều hòa lý tưởng đối với laptop

Trong ngày hè nóng nực, để bảo vệ laptop được an toàn, tốt nhất là hãy sử dụng chúng trong môi trường có điều hòa nhiệt độ. Bầu không khí mát lạnh sẽ giải quyết được tất cả những rắc rối có thể khiến chiếc máy tính yêu quý của bạn bị hư hỏng.

Không hoạt động máy tính liên tục

Đừng để laptop ở chế độ ngủ, ngủ đông liên tục hoặc cách nhau một khoảng thời gian quá ngắn. Dù laptop có bền đến mấy thì nó cũng cần được “chăm sóc” cẩn thận hơn so với PC. Bạn hãy cho nó chút thời gian để nghỉ ngơi sau khi đã “cày như trâu” cả ngày dài nhé.

Các lưu ý khác giúp kéo dài tuổi thọ của laptop

Nắm bắt được giới hạn an toàn về nhiệt độ

Hầu hết các máy tính xách tay đều chạy tốt trong khoảng nhiệt độ từ 10 đến 35 độ C. Máy tính dễ bị trục trặc nếu sử dụng ở nhiệt độ cao hơn giới hạn này. Tuổi thọ của pin và độ bền của ổ cứng có thể bị suy giảm nếu bị “nung” ở nhiệt độ quá cao.

Hãy tắt máy tính nếu di chuyển 2 môi trường nhiệt độ chênh lệch lớn

Đừng vừa đi vừa làm việc với laptop. Nếu bạn di chuyển từ vùng có điều hòa nhiệt độ sang khu vực nóng rẫy, hoặc từ ngoài nhà vào trong nhà, thì hãy tắt máy tính đi. Mục đích là để nó điều chỉnh lại cho phù hợp với nhiệt độ mới. Nếu không, hơi nước có thể đọng lại trong máy tính của bạn, giống như trên kính mắt vậy.

Tắt máy khi bỏ trong xe

Hãy coi chiếc máy tính của bạn như một đứa bé và đừng bỏ lại nó trong một chiếc xe, thậm chí là xe tải. Nhiệt độ trong xe, nhất là vào những ngày nắng nóng, luôn vượt quá ngưỡng chịu đựng của laptop. Nếu bạn buộc phải bỏ máy tính ở trong xe, hãy đảm bảo là nó đã được tắt hoàn toàn.

Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào máy

Ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp vào máy tính sẽ dễ khiến màn hình bị hỏng và khó có thể chữa trị. Chưa kể rằng, làm việc dưới ánh mặt trời trực tiếp rất có hại cho đôi mắt của bạn. Tốt nhất là hãy sử dụng thêm một tấm bảo vệ màn hình chống chói.

Hãy kiểm tra độ ẩm thời tiết trước khi bật máy

Hãy kiểm tra độ ẩm thời tiết trước khi bật máy. Nếu độ ẩm trên 80%, bạn cần phải lưu ý, cho dù là chiếc laptop của bạn có thiết bị chống ẩm. Thời tiết ẩm có thể khiến hơi nước ngưng tụ bên trong máy móc gây hỏng các vi mạch. Trường hợp vi mạch không bị hỏng thì cũng có thể làm hư hại những cảm biến điện tử.

Nên sao lưu dữ liệu

Đây là một lời khuyên tốt, bạn nên sao lưu (back-up) dữ liệu trên máy tính nếu bạn không lường trước là phải làm việc ở môi trường bên ngoài. Bởi lẽ cái nóng oi ả bên ngoài có thể khiến ổ cứng của máy gặp trục trặc. Hãy sử dụng thêm một ổ cứng gắn ngoài nhé.

Sẵn sàng trước những thay đổi thời tiết bất ngờ

Mùa hè nóng bức cũng hay có những cơn mưa bất chợt, khiến bạn dễ bị ướt như “chuột lột”. Hãy nhớ luôn mang theo bên mình một chiếc ô hay áo mưa để dùng tới khi cần.

Chọn loại túi, ba lô phù hợp để đựng máy tính

Để bảo vệ cho chiếc laptop của bạn trước một cơn bão bất ngờ hay nhiệt độ thay đổi từ nóng sang lạnh, hãy chọn mua 1 chiếc túi đựng sao cho có thể “chống ẩm, chống sốc và chống xước”.

Hy vọng BKH mang lại những điều hữu ích cho bạn!

Nguồn: quantrimang.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *